Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

Monday, December 13, 2010

 
Click to play this Smilebox greeting
Create your own greeting - Powered by Smilebox
Create your own greeting card


Merry Christmas and Happy New Year

Friday, July 01, 2005

 

HÃY ĐẾN VỚI TA

Trần Mỹ Duyệt

“Tất cả hãy đến với ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách ta và hãy học cùng ta, vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ được bình an. Vì ách của ta êm ái, gánh của ta nhẹ nhàng” (Mt 11:30).

Ôi! Còn lời êm ái, dịu ngọt, và thân tình nào hơn những lời mà Chúa đã nói với con hôm nay? Còn tấm lòng nào yêu thương và quan tâm lo lắng cho con hơn tấm lòng Chúa đang dành để yêu thương và quan tâm lo lắng cho con? Những gì mà Chúa nói hôm nay, nếu đem kết hợp lại với những gì mà Chúa đã nói ở nhiều trường hợp khác như việc biết con được dệt trong lòng mẹ lúc nào và bằng những chất liệu nào. Việc đếm những sợi tóc của con, và biết sợi nào ngày nào đang đen hóa trắng, sợi nào rụng xuống vì lý do gì, sẽ là một bài ca tuyệt mỹ ru con vào lòng thương xót Chúa..

Trấn an con lúc con gặp sầu buồn, lo lắng chưa đủ: “Sự khó ngày nào để cho ngày nấy, ngày mai mai lo”. Hôm nay, Chúa còn tình nguyện mang vác những gánh nặng của cuộc đời con. Chúa muốn đổi những gánh nặng cồng kềnh con đang mang bằng gánh nặng nhẹ nhàng, êm ái của Chúa. Chúa còn hứa ban bình an cho con nữa. Con dâm ra ngờ vực Chúa:

- Chúa ơi! Nhưng sao con thấy hơi ngại ngùng quá. Nghi ngờ quá. Con đến với Chúa cả mấy năm nay, tốn bao nhiêu tiền xin lễ mà bệnh cao máu, đau dạ dầy và mất ngủ của con vẫn y nguyên.

Con đau khổ, khóc lóc mấy chục năm mà người chồng bê bối, rượu chè, cờ bạc, bê tha, người vợ lăng loàn, se xua vẫn không thấy quay về với bổ phận gia đình, chăm lo con cái. Đứa con trai, con gái của con vẫn tiếp tục lang thang với chúng bạn, nghiện hút, và băng đảng. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu lời cầu, hết đền thánh này đến vương cung thánh đường khác, mà chưa thấy Chúa nghe.

Con lao đao, xuôi ngược, chạy hết hãng xưởng này đến hãng xưởng khác mà vẫn không có việc làm. Gia đình con vẫn lâm vào cảnh thiếu thốn, chật vật. Còn Chúa, Chúa vẫn lặng thinh.

Nước mắt, than van, và đau khổ. Con đến với Chúa, con cầu xin Chúa vậy mà Chúa vẫn làm thinh. Chúa vẫn chẳng trả lời con. Vậy thì làm sao con tin được Chúa muốn đỡ gánh nặng của con. Làm sao con tin được rằng Chúa sẽ nâng đỡ con. Chúa ơi! Con nghi ngờ quá, phân vân quá.

Không giận hờn, và không chấp nhất, Chúa chỉ nhỏ nhẹ nói với con:

- Này con. Con không tin rằng cha thương con và yêu con vì con quá khổ sở, vì con quá buồn phiền, và vì cha không trả lời con, không cho con những gì con xin. Nhưng con có bao giờ nghĩ rằng, chính cha đây trước cơn hấp hối kinh hoàng tại vườn Cây Dầu, cũng phải đau khổ thốt lên: “Lậy cha nếu có thể được, xin cất chén này cho con”. Vậy mà sau đó, cha cũng phải lủi thủi một mình chuốc lấy đau khổ, vác thập giá một mình lên núi Sọ. Chúa Cha xử với cha như thế đó. Con trả lời cha đi, trường hợp ấy, con sẽ cư xử ra sao?!

Ngay hôm nay, cha vẫn lủi thủi một mình trong các nhà tạm. Ở đó để chờ dịp gần gũi với chúng con. Ở đó để sẵn sàng chia sẻ với chúng con những khó khăn cuộc đời. Nhưng có được mấy người đáp lại.

Ngay cả con nữa. Có mấy lần con đến thăm cha?! Và những lần như vậy, con đến với cha như thế nào, và với tâm tình gì? Hay như con vừa kể lể cũng với tâm tình đòi hỏi, xin xỏ, và rầy rà?! Và khi không được như ý thì con đau khổ, chán nản, và bực bội. Rồi từ chán nản, buồn bực, con đâm ra nghi ngờ tình thương cha, nghĩ rằng cha không thương con.

Từ bình minh sáng tạo, con đã có trong thượng trí của cha. Con đã hiện hữu trước mắt cha. Con làm gì, đi đâu, và như thế nào thì cha đã biết rõ hết. Và trong cái biết ấy, cha đã dành cho con một sự săn sóc hết sức đặc biệt mà cha chỉ dành cho một mình con. Chỉ có con, trong những bối cảnh riêng mới có những săn đón ấy, mới có những yêu thương, chiều chuộng ấy. Một sự yêu thương và săn sóc đặc thù, riêng tư nhưng rất mực thiết tha.

Và tâm hồn con đã ngập tràn hạnh phúc, và để lòng mình trào lên lời tri ân mối tình bao la của Thiên Chúa:

- Vâng!. Lậy Chúa. Từ hôm nay, Chúa cứ việc tự tiện làm chủ và hướng dẫn đời con đi. Chúa làm gì mặc ý, con không dám phàn nàn, không dám cự nự nữa. Con sẽ mang ách của Chúa, và con sẽ cố học bài học hiền lành và khiêm nhường để thấy rằng ách Chúa êm và gánh Chúa nhẹ, và để con cảm được cái bình an tâm hồn.

Cái ách. Vâng, mỗi chiếc xe phải có một cỗ máy, tuy nặng, nhưng nhờ đầu máy ấy mà chiếc xe chạy như bay trên xa lộ, tưởng chừng như cái đầu máy không có và không phải là khối sắt nặng nề. Nhưng hơn thế nữa, tất cả sức mạnh, lực đẩy, và khả năng hoạt động của chiếc xe lại hoàn toàn tùy thuộc vào cái đầu máy, đến nỗi thiếu nó, hoặc nếu nó bị hư là cả chiếc xe nằm ụ.

Cái đầu máy xe kia chính là ách của Chúa, là luật Chúa, là sự tin tưởng, phó thác, và chấp nhận. Mới nghe ra, con tưởng như nặng nề, và khó khăn, vất vả. Nhưng nếu có nó, nếu giữ nó, và nếu thực hành nó, thì cả gánh nặng cuộc đời con dù có chất đầy chiếc xe khổ ải, thì nó vẫn cảm thấy nhẹ tâng, và chạy nhanh trên hành trình cuộc sống.

Sự bình an của Chúa, như lực đẩy của chiếc đầu máy, sẽ làm cho mọi nặng nề, bế tắc, và khó khăn trở nên dễ dãi. Với nó, con không phải lê bước một mình, và không phải tự mình mang vác lấy cái nhọc nhằn, vất vả, mà là chính Chúa, vì Chúa đã tình nguyện đỡ nâng, mang vác lấy thay cho con. Vậy lậy Chúa, này con xin đến với Chúa.

 

MỘT CÁI BẮT TAY

By Lệ Hằng

Tôi nhớ những năm đầu từ khi đặt chân lên bến bờ tự do, Chúa Nhật nào gia đình chúng tôi cũng đi lễ với một gia đình người Mỹ bảo trợ ở một nhà thờ cách nhà chúng tôi vài khoảng đường đi bộ.

Mỗi tuần chúng tôi đều gặp một anh thanh niên khoảng 25 tuổi, ngồi ở hàng ghế đầu phía trước, vào lễ lúc 10 giờ sáng. Anh đi bằng hai cây nạng chống dưới đôi cánh tay. Đôi khi cây nạng rớt xuống, anh phải khó khăn và mất thời giờ lâu lắm mới cúi xuống nhặt chúng lên được.

Anh mang cặp kính dầy cộm với sợi dây cột hai bên phía sau đầu để khỏi rớt. Khi hát, anh hát thật to, vang dội trong nhà thờ. Có lúc hầu như anh không nghe bài ca đã chấm dứt khi mọi người đã ngưng hát tự bao giờ. Tiếng hát của anh trong vắt nhưng không bao giờ hòa nhịp với tiếng đàn. Sự phát âm của anh cũng là lạ. Anh luôn đi lễ đơn côi một mình.

Đứa con còn quá nhỏ của tôi lúc ấy mới 9 tuổi chăm chú nhìn anh từng li từng tí. Có khi anh chảy nước dãi, mỗi lần xảy ra, anh đều lấy khăn tay trong túi để lau miệng, lau mặt. Khi anh cầu nguyện, tiếng anh thật lớn như tiếng hét. Tôi quan sát con tôi, nó nhìn anh thanh niên với đôi mắt mở rộng và thật chăm chú. Có phải đứa bé không tin anh tật nguyền? Nó thương anh vì tật nguyền? Hay nó đang nghĩ gì... tôi không thể hiểu?

Anh thanh niên có vẻ yêu mến lúc "chúc bình an" trước khi Rước Lễ. Anh nhanh nhẹn đưa tay chung quanh những người gần anh, nắm tay họ, nhìn vào đôi mắt vừa cười vừa chúc họ, đồng thời nhận sự chúc lành một cách hớn hở.

Một ngày Chúa Nhật kia, chúng tôi quỳ sau anh hai hàng ghế. Khi đến lúc "chúc bình an," tôi quan sát anh đang chìa tay ra với một cặp vợ chồng ở phía cuối hàng ghế. Đôi vợ chồng trông có vẻ như bao nhiêu người bình thường khác, trung lưu, trung niên, có vẻ đầy ngần ngại và sợ hãi như những người khác. Đôi vợ chồng quay mặt đi. Họ cúi mặt xuống, rút vai lại, giả bộ như không nhìn thấy anh. Rồi như bận rộn lắm, họ quay ra sau bắt tay những người khác chung quanh họ.

Anh thanh niên cũng ngần ngại, rồi anh rụt rè bỏ tay xuống. Cùng lúc ấy, tôi nín thở, tim tôi đập mạnh. Con tôi, đứa con trai 9 tuổi, vươn mình về phía trước như muốn leo lên trên bàn, mỉm cười, và đưa hai tay nó hướng về phía anh thanh niên và nói lớn với anh,


"Chúc anh bình an của Chúa Kitô."
Vượt khỏi những cái bàn, vượt khỏi một thế hệ, vượt khỏi sự ngăn cách giữa người tật nguyền và kẻ lành lặn, hai người chúc nhau bình an của Chúa Kitô. Đẹp đẽ thay!





Nguyện xin cho thánh đường là nơi không còn biên giới:
giữa tuổi già và tuổi trẻ,
giữa kẻ giàu và người nghèo,
giữa người chức phận và kẻ thường dân,
giữa kẻ có quyền và người bất lực,
giữa phái nam và phụ nữ,
giữa kẻ lành lặn và người tật nguyền,
giữa người có chức thánh và giáo dân...
để chỉ còn là một tấm lòng chân tình và yêu thương nhau,
trong sự "bình an của Chúa Kitô"
như mỗi lần chúng ta bắt tay chúc nhau.

Amen.

 

NHỚ MẸ

BY Elizabeth Nguyễn

"Coi chừng, bước hụt chân làm gẫy lưng mẹ của bạn!" người bạn thân nhất của tôi cười to. Mẹ vạch cho thấy các vết thẹo lành còn lại những đốm trắng của những lần té trên nền xi măng, rồi cười khúc khích. Từ sự việc ấy chúng tôi chú ý hơn khi đi bộ đến trường trên khúc đường đầy nguy hiểm. Tôi tráng lại bằng phẳng những chỗ lồi lõm nguy hiểm khi mẹ nhịp nhịp đôi giày trên con đường đá thường đi. Một người mẹ bị té là một đe dọa lớn lao, một điều mà tôi không bao giờ mong ước cho mẹ tôi.

Những ngày mẹ tôi sống bên này bờ lục địa Thái Bình Dương trong một căn nhà thuộc một khu xóm nhỏ. Một số trong những người mẹ khác cũng giống như mẹ tôi mắc bịnh "mất trí nhớ."

Tôi không ngạc nhiên lắm khi mẹ tôi được định bịnh về mất trí nhớ. Trải qua nhiều năm, đôi mắt lạc quan của mẹ mờ dần và sự sinh động không còn như trước nữa. Sự tiến trình của bịnh chậm chạp và khó chịu. Lúc đầu mẹ nói diễu về sự quên đầu quên đuôi của bà, nhưng dần dần sự vui cười đó tan biến đi, thay thế bằng một sự vô dụng trầm trọng. Nơi khu thuộc về "xáo trộn tâm thần" của một nhà thương gần đó, họ chỉ cho tôi đọc những quyển sách có thể giúp tôi biết cách đối phó với hoàn cảnh. Họ rất tử tế và chăm lo. Phần cuộc đời còn lại của mẹ tôi,c ó vẻ là một con đường đầy kinh hoàng, tan vỡ và xé nát bởi cái hướng không thể tiên đoán được bịnh trạng sẽ xảy ra như thế nào.

"Liệu bà vẫn còn nhớ ai không?"

Đây là câu hỏi đầu tiên người ta hỏi khi tôi nói về bịnh trạng của mẹ tôi. Vì không hiểu sự tiến trình chậm chạp của bịnh, họ luôn hình dung điều tệ nhất, khi tôi nói mẹ tôi vẫn còn nhận ra tôi, họ quá đỗi ngạc nhiên và không tin điều ấy. Thật vậy, tôi đã nói với họ, mẹ tôi vẫn dí dỏm vui cười giống như khi mẹ giới thiệu tôi như mẹ của bà. Những từ ngữ của mẹ bắt đầu bình thường, những với sự cố gắng lớn lao, mẹ vẫn có những túi trí nhớ để dùng.

Một câu hỏi khác lại đến: "Liệu tôi vẫn còn nhớ mẹ? Ai là người đàn bà đó, một người nhìn giống mẹ tôi nhưng đôi mắt không giống như đôi mắt mẹ tôi chút nào?"

Bà là một người độc lập đã sống một mình trong hơn 20 qua sau cái chết của cha tôi. Không chuẩn bị cho sự góa bụa thình lình của bà, nhưng mẹ tôi đã trải qua nhiều năm chăm sóc sức khỏe tốt về thể lý, tinh thần, tài chánh và xã hội. Bà luôn cương quyết sống còn dù cho sự nghèo khó của thế hệ đầu tiên di cư, nhưng những năm sau cùng, bà cảm thấy mừng vui trong sự tự do mà bà không được dạy dỗ, huấn luyện để hy vọng điều ấy.

Bịnh mất trí nhớ, (Alzheimer) một tên trộm di động chậm chạp, đánh cắp sự tự do và để một người đàn bà không còn nhớ lịch sử cá nhân của chính mình, chồng bà đã mất bao nhiêu năm về trước. Bà không thể nhớ lại tiền bạc để ở đâu hay bao nhiêu tiền của đã có. Những năm còn lại bà sống trong một mái nhà mà bà không bao giờ gọi là một tổ ấm, và kéo dài một cảm giác bất bình thường mà bà không bao giờ hiểu, nhớ hay biết gì cả.

Một buổi sáng kia, cánh tay mẹ vòng qua cánh tay tôi, chúng tôi ra khỏi khu nhà của mẹ đang ở đi bộ vòng quanh khu phố. Con đường đi bộ ở trước nhà là con đường được phép đi chậm chạp đến một cây cổ thụ. Thình lình đôi giày cao cổ của tôi đâm sâu vào một cái rễ nhỏ và tôi ngã chồm về phía trước. Mẹ tôi phản ứng tức khắc, cánh tay bà mạnh hơn và kéo tôi lên. Tôi lấy lại thăng bằng và cười với mẹ như để biết ơn.

"Con có sao không?" Mẹ hỏi với sự quan tâm.

Tôi nhìn mẹ, ngạc nhiên thấy mẹ nhận ra sự vấp té của tôi. Mẹ già của tôi, người mẹ mà tôi luôn luôn biết, đang cười với tôi, đôi mắt trong sáng của mẹ, với mục đích sáng tỏ, không một dấu hiệu nào hay dữ kiện nào chứng tỏ sự lẫn lộn hay mất trí nhớ.

Thoáng một giây thật ngắn, tôi nhớ lại lần trước, nhiều năm về trước, khi tôi thấy mẹ cười với tôi cũng giống một cách như thế này hôm nay. Đó là một ngày mùa đông tuyết rơi. Thời tiết bão bùng suốt tuần và chiếc xe hơi cũ kỹ không thích mưa tuyết như chúng tôi, nó chết máy ngay sau khi tôi từ trong cửa hàng bước ra. Khi tôi vào xe ngồi với nhau, kiên nhẫn chờ đợi chiếc xe khác đến kéo đi, mẹ cởi đôi giày đẫm ướt của tôi và để bàn chân tôi dưới cái áo choàng của mẹ.

Chúng tôi vui cười và nói chuyện trong khi có một chiếc xe màu đỏ đến đậu phía sau xe chúng tôi trên dốc hướng xuống sườn đồi. Một người đàn bà quàng khăn quấn cổ màu đỏ và chiếc áo khoác màu xanh đậm đến một cái tiệm phía bên kia đường. Một cái gì ở kiếng chiếu hậu làm cho mẹ chú ý. Trong nháy mắt, mẹ tôi tông cánh cửa và đạp tôi ra ngoài đường, trong khi chiếc xe đỏ phía sau xe của chúng tôi tuột từ chỗ đậu xe và tung vào xe chúng tôi, rồi đụng vào chiếc xe phía trước mặt. May mắn thay tất cả chúng tôi đều an toàn. Tôi chui vào cánh tay mẹ trong mưa và quá đỗi ngạc nhiên. Mẹ ôm tôi chặt hơn và cười thoát nạn.

"Con có sao không?"

Mẹ không cần hỏi. Dĩ nhiên tôi không sao. Tôi đang ở trong vòng tay của mẹ tôi. Những cánh tay đó lúc bấy giờ quấn quanh tôi sau những bước chân run rẩy trên vệ đường, và cũng nụ cười đó làm cho tôi cảm thấy an toàn.


"Mẹ thương con nhiều lắm,"mẹ nói khi tôi hôn mẹ. "Mẹ không muốn bất cứ việc gì xảy ra cho con."

Tôi đã nghe mẹ nói nhiều lần câu này trong đời tôi, nhưng những lúc gần đây không còn nữa. Tôi quá vui mừng cảm thấy mẹ trở lại bình thường.

Chúng tôi tiếp tục đi xuống con đường nơi chúng tôi đã đi bộ nhiều lần một tuần, kể từ khi tôi dời mẹ về ở gần tôi hơn.

"Mẹ chưa bao giờ đi trên con đường này trong nhiều năm," mẹ lên tiếng. Khi mẹ quay lại, tôi đã biết mẹ thật của tôi đã đi xa một lần nữa rồi.

Không có gì trong đời, tôi có thể chuẩn bị cho tôi một công việc phức tạp về sự chăm sóc một người mẹ bị bịnh "mất trí nhớ." Người mẹ thân yêu ở một bên mà như một người xa lạ tôi chưa bao giờ biết. Sự liên hệ mật thiết êm đềm đang ở đây, nhưng hành động quen thuộc trở nên một sự lạnh lùng xa lạ. Có một điều buồn đau, than khóc cho người cha ra đi, nhưng người mẹ yêu thương vẫn có mặt đây, nhưng mẹ không còn biết gì nữa. Niềm đau là ở chỗ đó! Nỗi nhức nhối âm thầm cũng ở đó!

Cho dù tôi vẫn gặp mẹ rất thường, nhưng tôi vẫn nhớ mẹ tôi vô cùng. Tôi vẫn nôn nao lần gặp tới tôi sẽ cà nhắc đến thăm mẹ tôi, cảm nhận tình thương của mẹ quấn quanh tôi, và dù cho chỉ một phút, xin giữ tôi chống đỡ khỏi sự đớn đau vì phải mất mẹ!


* * *



Mẹ là dòng suối ngọt ngào. Mẹ là biển rộng tình thương. Dù cho mẹ thế nào đi nữa, chúng con vẫn mến thương mẹ, và vẫn nhớ mẹ mãi trong tâm hồn mình. Ở một nơi nào đó trên trời, mẹ đang an nghỉ và hưởng niềm vui bất tận. Xin mẹ nhớ và cầu cho chúng con được mến thương nhau và chia sẻ niềm vui bên nhau, mong có ngày gặp lại mẹ sum họp cùng một nơi vĩnh hằng.

Mồng một tháng bảy....

This page is powered by Blogger. Isn't yours?